BÁC HỒ – MỘT TÌNH YÊU BAO LA

Tháng 5 về lại nhớ đến Người, nhớ đến những bài học giản dị mà sâu sắc từ chính tấm gương sáng trong của Người, mỗi người chúng ta càng cố gắng học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

BÁC HỒ – MỘT TÌNH YÊU BAO LA

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh của tinh hoa văn hóa và truyền thống của dân tộcViệt Nam. Một trong những tấm gương ấy là tình yêu thương con người bao la của Bác.

 

  “Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm trọn non sông mọi kiếp người”

                                                 (Tố Hữu  - Bác ơi)

  Có lẽ câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu đã làm nổi bật tình yêu thương mênh mông vĩ đại của Bác dành cho con người dành cho mọi lớp người, không kể già trẻ, gái trai, vùng miền, dân tộc, màu da… Tình yêu thương con người  của Bác bắt nguồn từ  cuộc sống và quá trình hoạt động cách mạng. Đó là nỗi đau của Người khi phải bế em đi xin sữa, mẹ chết không được khóc, bố bị oan khuất và đẩy đi xa. Đó là cảnh nghèo đói của nhân dân Nghệ- Tĩnh, cảnh khổ sở của những dân phu làm đường Cửa Rào, Trấn Ninh. Đó là những phu xe gầy ốm, những người bán hàng rong lam lũ bên cạnh cảnh sống phè phỡn, xa hoa của bọn thống trị thực dân và vua quan cai trị ở kinh thành Huế, cảnh đấu tranh và bị đàn áp của nông dân chống thuế mà Người trực tiếp chứng kiến và giúp đỡ… Rồi đến cảnh dân các thuộc địa khác bị đàn áp tàn bạo. Hình ảnh người dân da đen ở Đa Ka bị đẩy xuống biển chết trong gió to sóng lớn, nguời phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị phơi đói ở Tahômay, và những người dân thuộc địa bị bắt lính đi chết thay cho “mẫu quốc”. Đó là cảnh phân biệt chủng tộc và đời sống khổ sở, bần cùng của người dân lao động các nước tư bản như đời sống của dân da màu ở Mĩ, đời sống lam lũ của “xóm thợ, xóm nghèo, xóm người cùng khổ” Epinet ngay giữa thủ đô Pari mà Người đã tận mắt trông thấy. Những hình ảnh sự kiện đó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Người. Những tình cảm cao quý ấy đã trở thành hành trang của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành khi xuống tàu để ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước. Hành trang của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ là lòng yêu nước và yêu thương con người sâu sắc. Hành trang giản dị ấy, nhưng lại là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được chính Bác bổ sung, nâng cao và hoàn thiện suốt đời, trở thành lòng nhân ái bao la Hồ Chí Minh.

  Người đã khẳng định: “Lòng yêu thương của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi”. Tình cảm tư tưởng đó thể hiện sâu sắc, phong phú trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Tình yêu thương đó là tình cảm rộng lớn, trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức, bóc lột. Tình yêu thương đó còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, đồng chí, với mọi người bình thường trong quan hệ hàng ngày. Nó còn được thể hiện đối với những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng đã nhận rõ khuyết điểm, sai lầm và cố gắng sửa chữa; kể cả đối với những người lầm đường lạc lối và hối cải, đối với những kẻ thù đã bị thương, bị bắt hoặc quy hàng.

  Cả cuộc đời của Bác chỉ có một mong muốn duy nhât: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (câu trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài năm 1946 của Bác). Và bắt nguồn từ tình yêu thương con người, Bác đã dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân với mong muốn cháy bỏng là làm sao xóa đi tất cả những áp bức, bất công, nô lệ; mang hòa bình, hạnh phúc về cho dân tộc Việt Nam. Trước lúc vĩnh biệt đi xa, trong Di chúc, Người viết  “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

 Như vậy, tư tưởng yêu thương con người của Hồ Chí Minh thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyển thồng văn hóa Việt Nam; kề thừa tư tưởng nhân văn, nhân đạo trong văn hóa phương Đông, phương Tây; đặc biệt với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, để hình thành ở Người một lòng “yêu thương con người” cao cả, sâu sắc và hiện thực.

 Tháng 5 về lại nhớ đến Người, nhớ đến những bài học giản dị mà sâu sắc từ chính tấm gương sáng trong của Người, mỗi người chúng ta càng cố gắng học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đỗ Thị Lan Hương

Lượt xem: 647
Tác giả: Đỗ Thị Lan Hương
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 25
Hôm qua : 90
Tháng 04 : 1.251
Năm 2024 : 9.160